Mặc dù đã làm đến Phó Tổng Giám đốc của một ngân hàng, mà lại là ngân hàng thuộc top five trong hệ thống ngân hàng cổ phần của VN – một chức vụ nhiều người mơ ước – thế mà ông Phan Đình Tuệ vẫn tự nhận mình là người chưa… thành đạt. Đó là lời khiêm cung của một người thành đạt hay tâm sự của người chưa thực hiện được những hoài bão lớn?
Một quán…đôi quê
Phan Đình Tuệ, quê gốc – ghi theo lý lịch là nguyên quán – xã Hưng Đạo, một xã thuộc huyện đồng bằng Hưng Nguyên, chỉ cách TP Vinh chưa đầy 10km, nhưng nơi sinh lại ở nông trường Tây Hiếu huyện Nghĩa Đàn. Cái thời cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, cả miền Bắc bắt đầu công cuộc cải tạo XHCN. Theo tiếng gọi của Đảng, hàng vạn thanh niên nam nữ “đi, ta đi khai phá rừng hoang…” (thơ Tố Hữu) tạo dựng nên hàng loạt nông trường, trong đó có Tây Hiếu. Hồi đó, Tây Hiếu, vùng đất miền Tây xứ Nghệ hoang vu như lời mô tả trong một bài hát “ngày xưa ai đi lên vùng Tây Hiếu, lúc về lại không ra người…” (lời một bài hát). Nhờ có “những chàng trai những cô gái yêu…” khai phá rừng hoang làm nông trường cà phê nên “ngày nay ai đi nông trường Tây Hiếu, lúc về lại da thắm tươi đỏ tươi”. Trong đội ngũ “những chàng trai và những cô gái yêu” ấy, có nhiều cặp đã thành vợ chồng, sinh con đẻ cái nơi quê hương mới… Ký ức 10 năm đầu đời của công dân nông trường Phan Đình Tuệ không phải được vui chơi dưới tán rừng cà phê bạt ngàn hoa trắng mà là thường trực với mũ rơm, giao thông hào, hầm trú ẩn và tiếng gầm rú như xé toạc bầu trời của máy bay B52.
Chiến tranh kết thúc, gia đình ông được chuyển về Vinh – thủ phủ của Nghệ An. Ấn tượng với cậu bé lên 10 Phan Đình Tuệ về thời kỳ ấy, thành Vinh là TP còn nguyên vẹn thương tích sau chiến tranh, phố xá vắng hoe. Mặc dù không còn chạy giặc nhưng cả gia đình phải… chạy ăn – thay nhau xếp hàng mua lương thực, thực phẩm: gạo, ngô, sắn (củ mì), khoai lang, rồi bo bo… Có gì mua nấy, có gì ăn nấy, như lời chế của một bài hát “Nghệ Tĩnh mình ơi, Trung ương gọi lấy mì/ mì mà không đủ thì lấy khoai lang…”.
Năm 1984, sau khi thi trượt đại học, ông vào Buôn Ma Thuột để tìm việc làm kiếm tiền và thi lại. Tây nguyên đất rộng, người thưa, lo gì không kiếm được việc làm. Chính thời gian làm thuê kiếm tiền đi học này cho ông một “tình yêu” với cà phê, loại cây đặc trưng nơi ông sinh ra nhưng vì tuổi thơ và chiến tranh nên ông chưa cảm nhận được. Thi đậu và vào học tại Đại học Ngân hàng TP HCM, sau khi tốt nghiệp, ông trở lại Đăk Lăk làm ngân hàng rồi lại trở lại với cà phê, như một sự lựa chọn sẵn. Năm 1991, ông về làm nhân viên kế toán một nông trường cà phê, lần lượt kinh qua các chức vụ: kế toán trưởng, trưởng phòng kinh doanh…, đến năm 1999 đã là Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty Cà phê Việt Đức. Năm 2004, ông được điều về TP HCM làm Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và trở thành công dân TPHCM từ đó đến nay.
Bây giờ, nghe chất giọng, biết ông là dân “Nghệ rặt”, nhưng cắc cớ hỏi ông quê đâu, ông đáp như đùa: Tôi thuộc thành phần một quán ba quê… Phải khi nghe ông tâm sự về những nơi mình đã sống, đã để tình cảm và những kỷ niệm sâu đậm như thể góp phần tạc dựng nên tính cách con người, mới thấy điều ông nói là thật!
Một nghề… ba nghiệp
Năm 2007, ông rời ngành cà phê về làm ngân hàng. Nói về “bước ngoặt này”, ông bảo: “Ai nói về ngân hàng để kiếm tiền, kiếm chức, còn tôi là vì… cái nghiệp. Chức thì GĐ Chi nhánh Tổng Công ty Cà phê Việt Nam – một Tổng Công ty Nhà nước, kiêm Hiệu trưởng Trường Dạy nghề Vinacafe không nhỏ hơn Giám đốc chi nhánh của một Ngân hàng thuộc loại “thấp bé nhẹ cân”. Tiền thì lương, thưởng và các khoản bổng lộc ở Tổng Công ty Cà phê không thấp hơn lương Giám đốc chi nhánh Ngân hàng… Ông về làm ngân hàng lúc đó là vì nể lời của một bậc trưởng thượng, nhưng sau này, nghĩ lại, đó là cái nghiệp”. Tính đến nay, ông đã có gần 10 năm làm ngân hàng cổ phần, trải qua các chức vụ Giám đốc chi nhánh rồi Phó Tổng Giám đốc, “quan lộ” như vậy, nhiều người đánh giá là thành công. Thế nhưng, với ông, dù có làm đến Tổng Giám đốc thì vẫn là làm thuê. Mà nghề ngân hàng bây giờ – thời kinh tế mở, luật pháp chưa kín kẽ, “qua đúng, nay sai, ngày mai lại đúng” – là một nghề đầy rủi ro… Biết vậy, nhưng đã là nghiệp, không thể không theo đuổi, không thể không đam mê! Có lẽ vì biết nghề và hiểu nghề nên ông rất nghiêm khắc với bản thân và nguyên tắc trong xử lý công việc. Có lần, một vị chủ tịch tỉnh quen biết điện thoại đề nghị ông cấp tín dụng cho một doanh nghiệp đang đầu tư một dự án trên địa bàn tỉnh. Vị Chủ tịch kia nói:
“Em cứ yên tâm giải quyết, anh bảo lãnh…”. Ông cử cán bộ ngân hàng đi thẩm định dự án. Sau khi kiểm tra, chi nhánh báo cáo dự án không hiệu quả ông quyết định từ chối! Vị chủ tịch tỉnh điện thoại la lối, cho rằng ông coi thường địa phương, khó dễ doanh nghiệp, ông im lặng “chịu trận”. Nhân bảo như thần bảo, không lâu sau đó, dự án bị đổ bể, một số ngân hàng đã đổ tiền tỉ vào đó, thành “nợ xấu”. Cái nghiệp thứ ba, như ông tự nhận là nghiệp… vác tù và hàng tổng. Ma chay, cưới hỏi, chuyện của bạn bè… ai nhờ là ông xắn tay vào làm, như chuyện của mình. Ông bông đùa: “Kiếp trước mình mắc nợ người ta nhiều, nên bây giờ phải vậy…”. Có lẽ cũng vì cái “nghiệp” ấy nên công việc của Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh, mặc dù chỉ là Phó Chủ tịch nhưng“gánh” được là ông ghé lưng vào. Chủ tịch Hội Nguyễn Cảnh Nam coi ông là “mặt tiền”: Tài chánh: Tuệ, Tổ chức: Tuệ, Ngoại giao: Tuệ, cổ động viên bóng đá: cũng Tuệ… Với ông thì đó là việc phải làm. “Không ai làm thì mình làm”. “Mình không làm thì ai làm”… Có người “phê bình” ông hay ôm việc, ông chỉ trả lời như vậy sau cái nụ cười “nửa đùa nửa thật”!
…….
Tôi không phải quê Nghệ An nên hiểu và viết về người xứ Nghệ thật khó. Tiếp xúc với ông Phan Đình Tuệ nhiều lần, nghe ông và các đồng nghiệp, bạn bè nói về ông nhiều chuyện, tôi vẫn chưa thể lý giải được vì sao ông tự nhận mình là người chưa thành đạt. Tuy nhiên, tôi tin ông, tin cái sự chân thành, chân thực của ông – người đàn ông của vùng quê “gió Lào thổi rạc bờ tre/ chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn…” (thơ Tiếng Nghệ – Nguyễn Bùi Vợi)./
UYÊN LINH