ÔNG NGUYỄN CẢNH NAM, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP NGHỆ TĨNH TẠI TP.HCM -2018

(HDNNT-NTBA) Cuối năm 2001, nhân một chương trình họp mặt kỷ niệm 9 năm thành lập Công ty Lam Hồng do doanh nhân Nguyễn Cảnh Nam khởi xướng với chương trình Nối vòng tay lớn…

Văn hóa doanh nhân là sống trọn vẹn với gia đình và cộng đồng

Ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM – 2018

Cuối năm 2001, nhân một chương trình họp mặt kỷ niệm 9 năm thành lập Công ty Lam Hồng do doanh nhân Nguyễn Cảnh Nam khởi xướng với chương trình Nối vòng tay lớn tại nhà hàng Đồi Xanh, TP.HCM có sự tham gia của một số doanh nhân người quê gốc Nghệ An- Hà Tĩnh, cùng chung ý tưởng thành lập một hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh để anh em có chỗ sinh hoạt ra đời. Tháng 3-2005, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM được cấp giấy phép hoạt động. Đến nay, hội đã có hơn 300 hội viên. Đóng góp cho nhiều hoạt động và những thành công của Hội phải kể đến doanh nhân Nguyễn Cảnh Nam, người đã gắn bó với Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh từ những ngày đầu và nay là Chủ tịch Hội.

Ân tình với xứ Nghệ

Sống tại quê nhà Nghệ An chỉ khoảng 18 năm, sau đó là 45 năm xa quê đi làmviệc trong nước cũng như nước ngoài và cuối cùng chọn TP.HCM làm nơi lập nghiệp và định cư, nhưng ông Nam vẫn dành trọn ân tình cho nơi mình sinh ra: xóm Ba

Đình, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.Năm 1970, ông được Nhà nước cho đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Khi nghe tin đất nước thống nhất, cũng như nhiều sinh viên và người đi lao động tại Đức lúc ấy, ông vui mừng, hồ hởi trở về xây dựng quê hương mình. Năm 1976, ông về nước và vào  làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu, Sản xuất và Dịch vụ bao bì trực thuộc Bộ Ngoại thương (sau này là Bộ Thương mại, giờ là Bộ Công thương) theo phân công. Chỉ vài tháng sau, công ty lập chi nhánh tại TP.HCM và ông là một trong sáu người được chọn chuyển vào Nam công tác. Ông bén duyên với mảnh đất phương Nam từ đấy. Tuy nhiên, năm 1987, ông quay lại Cộng hòa Dân chủ Đức làm quản lý và giúp đỡ lao động Việt Nam ở bên đó, giúp những người Việt Nam sang lao động nhưng chưa biết luật lệ, chưa có nghề. Năm 1988, ông được bầu vào Hội đồng nhân dân thành phố Grossenhain, Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 1991, gia đình ông lại về TP.HCM và tiếp tục gắn bó với công ty cũ hơn 10 năm. 3 năm sau, năm 1994, Công ty Lam Hồng do ông làm Chủ tịch HĐQT được thành lập. Kể từ đây, ông bắt đầu hành trình kinh doanh riêng sau khi rời công ty cũ. Công ty Lam Hồng lúc đầu làm xuất nhập khẩu, sau là đại lý hàng hóa, thương mại, dịch vụ, nhưng nổi bật nhất là làm đại lý bán vé máy bay.

Dù trải qua chưa đầy 20 năm ở mảnh đất Nghệ Tĩnhnhưng ông Nam vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho mảnh đất và những con người nơi đây. Ân tình mặn mòi ấy được bắt nguồn từ cha ông, khi cụ vẫn nhắc nhở con cháu trong gia đình phải lo cho những người thân còn nghèo khó nơi quê nhà. Hai từ “quê nhà” trở nên thân thuộc mà thiêng liêng là thế. Ông tâm sự: Trong lòng mỗi người Việt Nam đều có quê hương, không thể quên nơi mình sinh ra, lớn lên. Dải đất miền Trung luôn chịu thiệt thòi, nhất là những năm chiến tranh và thời kỳ đầu đất nước thống nhất, nên nhiều người vì cuộc sống mà phải xa quê, do đó khi có điều kiện thì không ai không nghĩ đến việc góp phần làm cho quê mình bớt khó khăn. Cũng vì tinh thần chung này mà trong những năm qua, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh thường tổ chức những chương trình từ thiện ở Nghệ An- Hà Tĩnh. Các hoạt động thường đi sâu vào lĩnh vực giáo dục, nên đã phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học, giúp đỡ các em học sinh, sinh viên nghèo học giỏi. Với những bạn trẻ mong muốn kinh doanh, ông Nam cho biết Hội cũng có những hỗ trợ cụ thể, tùy theo tình hình. Thực tế, rất nhiều sinh viên Nghệ Tĩnh tại TP.HCM khi đến với Hội, đều nhận được những điều bổ ích, chẳng hạn nâng cao hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm kinh doanh từ những hội viên…Văn hóa doanh nhân là cống hiến

Trong thời đại ngày nay, một doanh nhân muốn thành công cần có thêm yếu tố nền tảng văn hóa. Riêng với ông Nam, văn hóa doanh nhân, đó là tuân thủ pháp luật, từ việc đóng thuế đầy đủ, chấp hành tốt chính sách của Nhà nước, tham gia các công tác tại địa phương, tham gia từ thiện… và hơn hết, dấu ấn của một doanh nhân là ở sự cống hiến: cống hiến trước hết cho gia đình, từ nền tảng gia đình đó, tạo động lực để đóng góp cho cộng đồng. Với doanh nhân Nguyễn Cảnh Nam, ông tâm niệm: trước hết hãy sống trọn vẹn yêu thương với gia đình mình. Có lẽ vì tâm niệm này mà đại gia đình ông: với tổng cộng 4 thế hệ từ bố mẹ ông là ông bà Nguyễn Cảnh Dương với 6 người con, 22 người cháu và 7 người chắt luôn gắn bó hòa hợp cùng nhau. Mỗi lần nhắc đến câu chuyện đại gia đình mình, ông vẫn bông đùa: Bố mẹ chúng tôi đặt tên cho 6 người con lần lượt là: Đông, Nam, Châu, Á, Thái, Bình. Hiện nay, cả đại gia đình đang sống đoàn kết, gắn bó tại TP.HCM và ông luôn rất tự hào về điều đó.

“Dù trải qua chưa đầy 20 năm ở mảnh đất Nghệ Tĩnh nhưng ông Nam vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho mảnh đất và những con người nơi đây. Ân tình mặn mòi ấy được bắt nguồn từ cha ông, khi cụ vẫn nhắc nhở con cháu trong gia đình phải lo cho những người thân còn nghèo khó nơi quê nhà”.

Từ vai trò của một doanh nhân và Chủ tịch của một Hội doanh nghiệp, ông muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ – đặc biệt là các bạn trẻ xứ Nghệ – đang ấp ủ hoài bão, khát vọng trở thành người thành đạt, thành doanh nhân rằng: Hãy phát huy tinh thần và giữ lấy phẩm chất của người Nghệ Tĩnh, luôn trau dồi học hỏi để áp dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống. Theo ông, ngoài năng lực, muốn thành công phải chú trọng đến cái tâm bởi cái tâm chiếm hơn 90% nguyên nhân dẫn đến thành công. Cần có mục đích phấn đấu để định hướng cho tương lai. Các bạn trẻ cần xem gia đình là chỗ dựa, phát huy giá trị truyền thống của gia đình. Người Nghệ Tĩnh rất có hiếu với gia đình, xem trọng gia đình. Cần phát huy tinh thần đó.

KHƯƠNG THỦY  (tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *