Điều lệ tổ chức & hoạt động của hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP HCM

(HDNNT-NTBA) Điều lệ tổ chức & hoạt động của hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP HCM gồm 8 chương – 31 điều.

ỦY BAN NHÂN DÂN

 TP.HỒ CHÍ MINH

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA

HỘI DOANH NGHIỆP NGHỆ TĨNH TẠI TP.HCM

8 Chương – 31 Điều

CHƯƠNG I: TÊN GỌI – TÔN CHỈ – MỤC ĐÍCH

Điều 1: Tên Hội

· Tên chính thức:

HỘI DOANH NGHIỆP NGHỆ – TĨNH TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

· Tên giao dịch nước ngoài:

NGHE – TINH BUSINESS ASSOCIATION IN HO CHI MINH CITY

· Tên viết tắt tiếng Anh: NTBA

Điều 2: Hội Doanh Nghiệp Nghệ-Tĩnh Tại Thành phố Hồ Chí Minh (dưới đây gọi tắt là Hội) là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của các Nhà Doanh nghiệp, Doanh nhân, Nhà quản lý, Nhà nghiên cứu khoa học, cùng các chuyên viên là những người có cùng quê hương Nghệ An và Hà Tĩnh hiện đang sinh sống, đầu tư, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2.1. Hội hoạt động tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật Nhà nước CHXHCN Việt Nam, theo điều lệ Hội và chịu sự quản lý nhà nước của Sở Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. 

2.2. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản riêng và độc lập về tài chính.

2.3. Trụ sở của Hội đặt tại Tp.HCM.

Điều 3: Mục đích của Hội

3.1. Vận động, tập hợp Hội viên trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết, hợp tác, tương trợ và cùng phát triển. Phát huy cao độ năng lực, trí tuệ tập thể nhằm giúp đỡ lẫn nhau phát triển nghề nghiệp và bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của Hội viên.

3.2. Hội là một cầu nối tích cực cho việc hợp tác phát triển kinh tế-khoa học, văn hoá-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, của Quê hương và của Đất nước.

3.3. Cùng với Hội đồng hương Nghệ An và Hội đồng hương Hà Tĩnh thắt chặt mối đoàn kết xây dựng một cộng đồng con em Nghệ Tĩnh “Đoàn kết – Thân ái – Tiến bộ và Hữu ích”.

CHƯƠNG II: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI

Điều 4. Nhiệm vụ của Hội

4.1. Tạo môi trường, làm cầu nối để các Hội viên hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong các hoạt động nghề nghiệp và sản xuất – kinh doanh. Tư vấn và cung cấp cho Hội viên các thông tin về pháp lý, kinh tế – thương mại, khoa học – kĩ thuật có liên quan đến ngành nghề của mình, nhất là đối với các thông tin về chủ trương và chính sách đầu tư.

4.2. Vận động Hội viên quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Ưu tiên hướng tới các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới thành lập, và doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Tổ chức các hoạt động khác nhằm liên kết, hỗ trợ Hội viên trong việc phát triển nghề nghiệp và sản xuất – kinh doanh. Đặc biệt khuyến khích Hội viên tiêu thụ sản phẩm và sử dụng dịch vụ của nhau.

4.3. Đại diện cho Hội viên trong các mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng của Hội. Thay mặt bảo vệ những quyền, lợi ích hợp pháp của Hội viên.

4.4. Tích cực tham gia và thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh và hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

4.5. Mở rộng quan hệ với các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội khác nhằm hợp tác, học tập và trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt Hội phải đẩy mạnh mối quan hệ, phối hợp với Hội đồng hương Nghệ An và Hội đồng hương Hà Tĩnh để tiến hành các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cho cộng đồng người Nghệ An và Hà Tĩnh đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

4.6. Kêu gọi, vận động Hội viên tham gia các hoạt động từ thiện, hưởng ứng các chính sách xã hội, và nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định của pháp luật.

Điều 5. Quyền hạn của Hội:

5.1. Tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các Hội viên vì lợi ích chung. Tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền cho Hội, gây quỹ chung trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

5.2. Khi cần thiết Hội có thể lập các trung tâm dịch vụ – cơ sở kinh doanh theo quy định của các cơ quan Nhà nước, nhằm tạo nguồn quỹ cho hoạt động chung của Hội.

5.3. Đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước về các cơ chế, chính sách có liên quan đến họat động nghề nghiệp của Hội viên.

5.4. Được cử đại diện tham gia các cuộc sinh hoạt, hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ do các cơ quan có thẩm quyền tổ chức nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm… Được giới thiệu Hội viên, đề cử người Đại diện đi nước ngoài tiếp cận thị trường, nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ thuật.  

5.5. Được ưu tiên trong việc hòa giải tranh chấp giữa các Hội viên trước khi giải quyết bằng con đường pháp luật. Việc chủ trì hòa giải của Hội không được trái với những quy định của pháp luật.

CHƯƠNG III: HỘI VIÊN

Điều 6: Hội viên của Hội

6.1. Hội viên chính thức: Những Doanh nhân, hoặc những cá nhân đang tham gia quản lý trong các tổ chức kinh tế; các Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; những Nhà khoa học, chuyên viên kinh tế – kỹ thuật hiện đang đầu tư; làm việc; hoặc sinh sống tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là những người có cùng quê hương, hoặc sinh ra và lớn lên tại hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, nếu tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập thì được Ban chấp hành Hội xem xét, công nhận là Hội viên chính thức của Hội.

6.2. Hội viên liên kết: các cá nhân, tổ chức Việt Nam nếu có nguyện vọng liên kết, có tâm huyết, có khả năng tạo điều kiện giúp đỡ và hỗ trợ cho Hội, tán thành Điều lệ Hội, thì được Ban Chấp hành Hội xem xét, kết nạp làm Hội viên liên kết của Hội.

6.3. Hội viên danh dự: Là những người có công trong việc thành lập, xây dựng và phát triển Hội, hoặc những người có uy tín cao trong xã hội, được Ban Chấp hành Hội công nhận và tôn vinh là Hội viên danh dự của Hội.

Điều 7. Trình tự, thủ tục gia nhập Hội

7.1. Nộp đơn tự nguyện gia nhập Hội (theo mẫu).

7.2. Văn phòng Hội xác nhận hồ sơ (trường hợp được giới thiệu, đảm bảo bởi một Hội viên thì không cần thủ tục này).

7.3. Người nộp đơn đóng Lệ phí tham gia và Hội phí.

7.4. Ban Chấp hành ra quyết định chính thức công nhận tư cách Hội viên trong kỳ họp gần nhất.

Điều 8. Quyền lợi của Hội viên

8.1. Được ứng cử, đề cử, bầu cử vào Ban Chấp hành và các chức vụ khác của Hội. Được phê bình, chất vấn, đề xuất, góp ý về mọi chủ trương và hoạt động của Hội. Được tham gia thảo luận và biểu quyết các văn kiện, nghị quyết của Hội (Riêng Hội viên danh dự và Hội viên liên kết không có quyền tham gia vào các họat động ứng cử, đề cử và bầu cử của Hội).

8.2. Được tham gia các hoạt động do Hội tổ chức và hưởng thành quả từ việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội theo quy định tại Điều 4 của Điều lệ này.

8.3. Được đề nghị Hội đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Được đề xuất ý kiến và yêu cầu Hội thay mặt kiến nghị với các cơ quan hữu quan về các vấn đề liên quan đến cá nhân cũng như hoạt động nghề nghiệp của Hội viên.

8.4. Được đề nghị Hội giúp đỡ hoặc yêu cầu Hội thay mặt kêu gọi sự hợp tác, tương trợ từ các Hội viên khác.

8.5.  Được hưởng sự hỗ trợ tài chính theo khả năng của Hội khi gặp khó khăn trong các hoạt động nghề nghiệp và sản xuất – kinh doanh.

8.6. Được khen thưởng vì những đóng góp cho Hội, hoặc những thành tích nâng cao được hình ảnh, uy tín của Hội.

8.7. Được xin ra Hội (Hội viên phải có đơn gửi Ban Chấp hành Hội).

Điều 9. Nghĩa vụ của Hội viên

9.1. Chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ, quy chế, nội quy, nghị quyết, quyết định và chương trình hoạt động của Hội. Tích cực tham gia các hoạt động chung theo sự phân công của Hội.

9.2. Đóng hội phí, lệ phí và các khoản quỹ chung bao gồm:

+ Đóng lệ phí gia nhập.

+ Đóng hội phí hàng năm.

+ Góp các quỹ theo Điều lệ hoặc nghị quyết, quyết định được thể hiện bằng văn bản của Đại hội Hội viên.

Hội viên danh dự không phải thực hiện nghĩa vụ theo Khoản 2, Điều 9 này.

9.3. Thực hiện báo cáo hoạt động của mình lên cơ quan Hội theo quy chế, nghị quyết của Hội.

9.4. Khi có mâu thuẫn, tranh chấp với các Hội viên khác, Hội viên phải ưu tiên hòa giải thông qua sự chủ trì của Hội trước khi giải quyết bằng con đường pháp luật.

9.5. Không được sử dụng danh hiệu, uy tín của Hội vào mục đích cá nhân khi chưa được Hội cho phép.

Điều 10. Tư cách hội viên bị chấm dứt theo một trong các trường hợp sau

10.1. Hội viên có đơn xin ra Hội và được chấp nhận bởi Ban Chấp hành Hội.

10.2. Hội viên bị buộc chấm dứt tư cách Hội viên khi vi phạm một trong những trường hợp sau:

+ Vi phạm nghiêm trọng Điều lệ, nghị quyết, quy định của Hội

+ Hoạt động gây tổn hại đến uy tín hoặc tài chính của Hội.

+ Không đóng Hội phí 1 năm.

+ Không tham dự 3 cuộc họp liên tiếp do Hội tổ chức mà không có lý do chính đáng. Hội viên vi phạm mục 1, mục 2 – khoản 10.2 bị buộc chấm dứt tư cách Hội viên phải được thông qua bằng nghị quyết của Ban Chấp hành Hội, và thông báo cho toàn thể Hội viên.

CHƯƠNG IV: TỔ CHỨC HỘI

Điều 11. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

11.1. Hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc “dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách”, quyết định theo đa số, được thể hiện ở các nghị quyết của Đại hội, nghị quyết của Hội nghị Hội viên và nghị quyết của Ban Chấp hành. Có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong cơ cấu tổ chức và hoạt động. Có sự báo cáo định kỳ theo cơ cấu tổ chức và Quy chế hoạt động (khi được ban hành).

11.2. Tất cả các cuộc họp của Hội được coi là hợp lệ khi có hơn 1/2 số thành viên chính thức của cuộc họp có mặt.

11.3. Các quyết định, nghị quyết của Đại hội, của Hội nghị Hội viên, của Ban Chấp hành chỉ có hiệu lực thi hành khi được thông qua tại một cuộc họp hợp lệ với sự tán thành của hơn 1/2 số thành viên chính thức của cuộc họp có mặt. Ngoại trừ các vấn đề sau:

–  Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ thì theo quy định tại Điều 31 của Điều lệ này.

– Việc triệu tập Đại hội bất thường thì theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 của Điều lệ này.

– Việc thay đổi các thành viên Ban Chấp hành, việc bầu và thay đổi Chủ tịch, hoặc việc ban hành các quy chế của Hội phải được sự tán thành của ít nhất 2/3 số thành viên hiện có của Ban Chấp hành.

– Các vấn đề về nhân sự khác phải được sự tán thành của ít nhất 2/3 số thành viên chính thức của cuộc họp có mặt.11.4. Việc tiến hành biểu quyết có thể tiến hành dưới các hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Trong kỳ họp Ban Chấp hành,nếu thấy cần thiết và được biểu quyết tán thành, thì hình thức bỏ phiếu qua fax hoặc các hình thức thư tín khác cũng được coi là hợp lệ.

Điều 12. Tổ chức của Hội gồm

– Đại hội Hội viên (Đại hội toàn thể Hội viên).

– Ban Chấp hành.

– Ban Kiểm tra.

– Văn phòng và các Bộ phận chuyên môn khác.

Điều 13. Đại hội Hội viên: là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội.

13.1. Những nội dung chính của Đại hội:

– Thông qua Điều lệ hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ (nếu cần).

– Quyết định phương hướng hoạt động của Hội.

– Bầu Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra.

– Báo cáo tài chính; thông qua dự trù ngân sách; quy định mức Hội phí, Lệ phí tham gia Hội.

– Chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể Hội. Gia nhập liên hiệp các hội khác.13.2. Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 3 năm một lần. Đại hội bất thường được triệu tập khi có ít nhất 1/2 số Hội viên, hoặc ít nhất 2/3 số thành viên Ban Chấp hành Hội hiện có yêu cầu. 13.3. Trước Đại hội 15 ngày, Văn phòng Hội cùng các Ban có liên quan phải công bố chương trình Nghị sự và phải gửi thư mời cho Hội viên.

Điều 14. Hội nghị Hội viên: (Sinh hoạt toàn thể Hội viên) định kỳ hàng năm là 2 lần (vào những ngày đầu và giữa năm Dương lịch). Thời gian cụ thể do Ban Chấp hành quyết định và phải thông báo trước 10 ngày cho Hội viên.

14.1. Nội dung của các Hội nghị Hội viên:

–  Tổng kết, báo cáo, và trình kế hoạch hoạt động (6 tháng một lần) của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra.

– Thông qua dự toán và quyết toán tài chính định kỳ (6 tháng 1 lần) của Hội.

14.2. Nếu được Ban Chấp hành thông qua, hoặc ít nhất 1/3 số Hội viên ký đơn yêu cầu thì Hội nghị Hội viên sẽ thảo luận, biểu quyết những vấn đề sau:

– Điều chỉnh dự trù ngân sách và mức Hội phí, Lệ phí gia nhập.

– Gia nhập các liên hiệp Hội khác.

Điều 15. Ban Chấp hành của Hội

15.1. Ban Chấp hành Hội là cơ quan quản lý và điều hành của Hội giữa 2 kỳ Đại hội. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành là 3 năm.

15.2. Ban Chấp hành có cơ quan thường trực gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch thứ nhất và các Phó Chủ tịch khác, do Ban Chấp hành bầu ra từ danh sách thành viên Ban Chấp hành. (Số lượng các Phó Chủ tịch do Ban Chấp hành của từng nhiệm kỳ quyết định). Cơ quan thường trực họp định kỳ hàng tháng, (trong tháng có cuộc họp định kỳ của Ban Chấp hành thì cuộc họp thường trực được tiến hành ngay trước hoặc sau cuộc họp của Ban Chấp hành). Cơ quan thường trực thay mặt Ban Chấp hành điều hành mọi hoạt động của Hội trong phạm vi quyền hạn, nghĩa vụ mà nghị quyết Ban Chấp hành đề ra.

15.3. Số lượng thành viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định, nhưng không quá 1/3 số lượng Hội viên.

15.4. Thành viên Ban Chấp hành phải là người có tâm huyết với Hội, có trình độ và khả năng điều hành, có phẩm chất đạo đức tốt. Thành viên Ban Chấp hành do Đại hội Hội viên trực tiếp bầu ra.

15.5. Ban Chấp hành họp thường kỳ vào tuần đầu của các tháng lẻ trong năm. Trong trường hợp cần thiết Chủ tịch có thể triệu tập họp bất thường, hoặc họp mở rộng  (Trong cuộc họp mở rộng, chỉ có các thành viên Ban chấp hành mới có quyền biểu quyết).

Điều 16. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành

16.1. Tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết đã được Đại hội của thông qua.

16.2. Ban hành các quy chế tổ chức và hoạt động của Hội. Xây dựng chương trình hoạt động của Ban Chấp hành hàng năm và cả nhiệm kỳ, tổ chức thực hiện chương trình đó.

16.3. Bầu Chủ tịch và các Phó chủ tịch và Chủ tịch danh dự của Hội.

16.4. Thay đổi, bổ sung các thành viên Ban Chấp hành, Chủ tịch và các Phó chủ tịch.

16.5. Chuẩn bị văn kiện, triệu tập Đại hội Hội viên và Hội nghị Hội viên. Soạn thảo báo cáo tổng kết hoạt động, dự toán và quyết toán tài chính theo định kỳ và cho cả nhiệm kỳ.

16.6. Xem xét việc kết nạp, khai trừ, khen thưởng, kỷ luật đối với Hội viên của Hội. Đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước về chính sách có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp và sản xuất – kinh doanh của Hội viên.

16.7. Thành lập các cơ sở kinh doanh theo quy định của cơ quan Nhà nước.

16.8. Thành lập các Bộ phận chuyên môn theo đề nghị của Chủ tịch.

16.9. Trong trường hợp cả Chủ tịch và Phó chủ tịch đồng thời vắng mặt, hoặc trong các trường hợp bất khả kháng, khiến họ không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Chấp hành có thể ủy quyền cho một Phó Chủ tịch khác tạm thời thực hiện chức năng của Chủ tịch cho đến khi bầu Chủ tịch mới, hoặc khi các trường hợp bất khả kháng nêu trên kết thúc.

Điều 17: Chủ tịch và các Phó chủ tịch

17.1. Chủ tịch Hội:

–  Chủ tịch là người Đại diện về pháp lý của Hội, là chủ tài khoản, và đồng thời là đại diện của Hội trong các mối quan hệ đối nội, đối ngoại khác.

– Chủ tịch là người thay mặt Ban Chấp hành phụ trách chung và giám sát hoạt động của các Phó Chủ tịch. Chủ tịch có thể ủy quyền cho các thành viên Ban Chấp hành thay mặt đảm trách, thực hiện các quyền hạn, nhiệm vụ của mình. 

– Chủ tịch là người thay mặt ký các nghị quyết mà Ban Chấp hành đã thông qua. Ký các quyết định, văn kiện của Hội để thực hiện nhiệm vụ của mình trong phạm vi thẩm quyền cho phép.

– Triệu tập và chủ trì các phiên họp Ban Chấp hành và các phiên họp thường trực, thay mặt Ban Chấp hành triệu tập, chủ trì Đại hội Hội viên và Hội nghị hội viên.

– Khi Chủ tịch vắng mặt, Phó Chủ tịch thứ nhất thay mặt Chủ tịch điều hành công việc của Hội.

17.2. Các Phó chủ tịch Hội

– Các Phó chủ tịch giúp Chủ tịch phụ trách từng mặt công tác mà Nghị quyết Ban Chấp hành đề ra.

– Ký các quyết định, thực hiện các quyền hạn như của Chủ tịch trong phạm vi được Chủ tịch ủy quyền.

17.3. Chủ tịch danh dự:

– Chủ tịch danh dự của Hội là người có uy tín trong cộng đồng con em Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; có đóng góp to lớn trong quá trình hình thành, phát triển của Hội, được Ban Chấp hành Hội bầu ra theo sự đề cử của Hội viên.

– Chủ tịch danh dự có quyền tham gia tất cả các cuộc họp của Hội, có quyền cho ý kiến về mọi vấn đề của Hội. 

Điều 18: Văn phòng Hội

18.1. Văn phòng Hội là cơ quan giúp việc cho Ban Chấp hành xử lý các công việc hàng ngày của Hội. Văn phòng Hội họat động dưới sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của Chủ tịch.

18.2. Nếu cần Chủ tịch Hội ủy nhiệm cho một thành viên Ban Chấp hành để thay mặt phụ trách, điều hành Văn phòng, quản lí nhân viên.

18.3. Cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Hội do Chủ tịch Hội quyết định và được sự thông qua của Ban Chấp hành. Nhân sự của Văn phòng Hội do Chủ tịch Hội toàn quyền chỉ định.

Điều 19: Ban Kiểm tra

19.1. Ban Kiểm tra gồm 3 thành viên được Đại hội bầu ra, cùng một nhiệm kỳ 3 năm với Ban Chấp hành, thành viên Ban Kiểm tra không được đồng thời là thành viên Ban Chấp hành. Ban Kiểm tra bầu ra Trưởng Ban để chỉ đạo, điều hành hoạt động.

19.2. Ban Kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra mọi hoạt động của Hội trong việc thi hành Điều lệ, thực hiện các nghị quyết của Đại hội và Ban Chấp hành, giám sát việc thu chi tài chính, lập báo cáo trình Hội nghị Hội viên và Đại hội.

19.3. Ban Kiểm tra được dự họp Ban Chấp hành nhưng không có quyền biểu quyết.

19.4. Ban Kiểm tra có quyền đề nghị Ban Chấp hành bãi, miễn nhiệm các Phó chủ tịch.

19.5. Ban Kiểm tra có quyền yêu cầu Ban chấp hành phối hợp tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chủ tịch và các thành viên khác của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra (theo quy định tại Khoản 3, Điều 20).

Điều 20: Thay đổi, bổ sung các chức danh của Hội

20.1. Việc thay đổi, bổ sung các thành viên Ban Kiểm tra, hoặc việc thay đổi, bổ sung hơn 1/3 thành viên Ban Chấp hành thuộc thẩm quyền của Đại hội Hội viên, hoặc Đại hội bất thường. Việc thay đổi, bổ sung các thành viên Ban Chấp hành, Chủ tịch và các Phó chủ tịch thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành (trường hợp thay đổi, bổ sung không quá 1/3 số thành viên chính thức của Ban Chấp hành).

20.2. Việc thay đổi, bổ sung các chủ thể nêu trên được tiến hành theo một trong các trường hợp sau:

– Đối với các thành viên của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Chủ tịch Hội:

+ Có đơn từ chức của các chủ thể nêu trên.

+ Có đơn yêu cầu chính thức của ít nhất 1/3 số Hội viên hiện có kí tên, hoặc ít nhất 2/3 số thành viên Ban Chấp hành hiện có kiến nghị.

+ Theo kết quả của việc bỏ phiếu bất tín nhiệm (quy định tại Khoản 3, Điều 20 của Điều lệ này).

– Đối với các Phó chủ tịch:

+ Có đơn từ chức của Phó chủ tịch.

+ Theo đề nghị của Chủ tịch Hội hoặc Ban Kiểm tra.

+ Theo đơn yêu cầu chính thức của ít nhất 1/4 số Hội viên, hoặc ít nhất 1/3 tổng số thành viên Ban Chấp hành hiện có đề nghị.

20.3. Cuộc họp bỏ phiếu bất tín nhiệm Chủ tịch hoặc các thành viên khác của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra diễn ra khi có yêu cầu bằng văn bản của Ban Kiểm tra, của Chủ tịch, có đơn yêu cầu của ít nhất 1/4 số Hội viên ký tên, hoặc ít nhất 1/3 số thành viên Ban chấp hành hiện có kiến nghị.

– Cuộc họp bỏ phiếu bất tín nhiệm được tiến hành tại phiên họp thường kỳ của Ban Chấp hành, thành phần tham dự và có quyền biểu quyết gồm tất cả các thành viên của Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra (nhưng không được bỏ phiếu bất tín nhiệm cho chính bản thân mình). Kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ là cơ sở cho việc bãi nhiệm và bầu bổ sung các chức danh nêu trên.

CHƯƠNG V: CÁC MỐI QUAN HỆ CỦA HỘI

Điều 21: Hội đặt mối quan hệ thương xuyên với các cơ quan quản lý nhà nước và các ngành nghề chức năng có liên quan để kịp thời nắm bắt, và thực hiện đúng theo các chủ trương,  chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của chính quyền để phát triển tốt nhiệm vụ của Hội. Đặc biệt là đối với chủ trương và chính sách đầu tư phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Điều 22: Hội đặt mối quan hệ hỗ trợ và giúp đỡ trên tinh thần tương thân, tương ái với hai Hội đồng hương Nghệ An và Hà Tĩnh.

Điều 23: Hội đặt mối quan hệ bình đẳng, học hỏi, tôn trọng lẫn nhau với các Hội ngành nghề và các tổ chức khác. 

CHƯƠNG VI: TÀI CHÍNH – TÀI SẢN CỦA HỘI

Điều 24 : Thu – Chi

24.1. Các khoản thu của Hội gồm:

– Lệ phí gia nhập Hội.

– Hội phí hàng năm do hội viên đóng góp.

– Các khoản cho, tặng, biếu, tài trợ, ủng hộ của các Hội viên và các tổ chức, cá nhân khác.

– Các khoản thu qua các trung tâm dịch vụ và cơ sở kinh doanh của Hội được thành lập    theo quy định Nhà nước.

24.2. Các khoản chi của Hội gồm:

– Chi phí các hoạt động như: hội thảo, giao tế, tham quan, nghiên cứu, các hoạt động xã hội.

– Chi phí xây dựng, duy trì Văn phòng, trụ sở, phương tiện làm việc. Trả lương nhân viên Văn phòng, và chi bồi dưỡng cho cộng tác viên có đóng góp công sức cho Hội.

– Các khoản chi khác (nếu có, nhưng phải phục vụ cho mục đích chung của Hội).

Điều 25: Chủ tịch Hội hoặc Phó Chủ tịch được Chủ tịch ủy quyền sẽ ký quyết định duyệt chi các khoản chi phí của Hội. Người ký quyết định duyệt chi sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân về các khoản chi đó trước Ban Chấp hành và toàn thể Hội viên. Chủ tịch Hội (hoặc Phó chủ tịch Hội được ủy quyền) phải báo cáo định kỳ công khai tại cuộc họp thường kỳ của Ban Chấp hành, trước Hội nghị Hội viên và Đại hội Hội viên.

Điều 26: Tài chính và Tài sản của Hội sử dụng đúng mục đích, nhu cầu hoạt động của Hội, đúng Quy chế Tài chính của Hội (khi được ban hành), có sổ sách kế toán thu chi theo Luật định lưu tại Văn phòng.  Riêng các khoản thu tài trợ của Hội phải lập bảng công khai tại Văn phòng Hội.

CHƯƠNG VII: KHEN THƯỞNG – KỶ LUẬT- GIẢI THỂ

Điều 27: Khen thưởng

27.1. Thành viên, Hội viên, Thành viên Ban Chấp hành, cán bộ nhân viên có thành tích xuất sắc trong việc chấp hành Điều lệ, Quy chế, Nghị quyết, Quyết định của Hội, đem lại nhiều lợi ích cho Hội thì được xét khen thưởng.

27.2. Hình thức khen và mức khen thưởng theo quy chế của Hội.

Điều 28: Kỷ luật

28.1. Hội viên, Thành viên Ban Chấp hành, cán bộ nhân viên làm trái Điều lệ, quy chế, nghị    quyết, quyết định của Hội, gây thiệt hại đến uy tín, kinh tế của Hội hoặc của hội viên khác thì tùy theo mức độ vi phạm mà chịu một trong các hình thức hình thức kỷ luật phê bình, cảnh cáo và buộc chấm dứt tư cách Hội viên. Hội viên bị buộc chấm dứt tư cách Hội viên thì trong vòng một năm – kể từ ngày có quyết định buộc chấm dứt tư cách Hội viên – không được tái gia nhập Hội.

28.2. Ban Chấp hành xem xét xử lý kỷ luật đối với Thành viên Ban Chấp hành và các Hội viên. Ban Kiểm tra xem xét xử lý kỷ luật đối với thành viên Ban Kiểm tra. Chủ tịch Hội có quyền xử lý kỷ luật cán bộ giúp việc và thông báo cho Ban chấp hành biết.

28.3. Đối với mức kỷ luật buộc chấm dứt tư cách Hội viên của các Thành viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra thì trước đó phải khai trừ Thành viên đó ra khỏi Ban Chấp hành, hoặc Ban Kiểm tra. Việc khai trừ Thành viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra phải tuân thủ theo Điều 20 của Điều lệ này.

Điều 29: Giải thể

29.1. Hội giải thể khi hoạt động không hiệu quả, có 2/3 số Đại biểu hội viên tại Đại hội kiến nghị bằng nghị quyết thì Hội phải làm thủ tục xin phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định giải thể. Việc giải thể Hội phải thực hiện theo đúng thủ tục và trình tự mà pháp luật quy định.

29.2. Cơ quan Nhà nước cho phép thành lập Hội nếu thấy hoạt động của Hội vi phạm pháp luật thì có thể xem xét quyết định giải thể Hội.

CHƯƠNG VIII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30: Điều lệ này có hiệu lực sau khi được Đại hội toàn thể Hội viên Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh Tp. Hồ Chí Minh thông qua và được UBND Tp.HCM phê duyệt.

Điều 31:  Chỉ có Đại hội toàn thể Hội viên Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh Thành phố Hồ Chí Minh mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội, và chỉ khi có 2/3 số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành và được UBND Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt thì mới có giá trị thi hành.Ban Chấp hành Hội có trách nhiệm cụ thể hóa và hướng dẫn việc thực hiện Điều lệ này.

UBND THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *